Hà Nội xử lý quy hoạch “treo”, dự án “treo”: Giải quyết dứt điểm
Năm 2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi đất của 20 tổ chức với diện tích lên tới 17ha vì đã vi phạm thời hạn đưa đất vào sử dụng và chậm tiến độ cam kết. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đúng thực trạng đất công bị "chiếm dụng" "xếp khuôn" trong các dự án tại Hà Nội hiện nay.
Hàng trăm hécta đất bị chiếm dụng
Một dự án trên đường Hồng Hà “giậm chân tại chỗ” trong khoảng thời gian dài. Ảnh: Phan Anh
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn bức xúc: "Trong khi nhiều bệnh viện công muốn có đất xây dựng mà chưa được, lại có những dự án bệnh viện khác được giao đất nhiều năm không chịu triển khai như Bệnh viện Hàn Quốc từ năm 2006 là một ví dụ". Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố phải nghiêm khắc thu hồi lại đất của những trường hợp như thế, mới đủ sức răn đe tình trạng vi phạm này. Dự án Bệnh viện Hàn Quốc nêu trên nằm trong hàng trăm dự án chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội. UBND TP cho biết đã xác định 291 dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chậm triển khai GPMB. Nhưng nổi bật phải kể đến "thành tích" từ 12 tháng liền trở lên không đưa đất vào sử dụng tại 48 dự án. 39 dự án khác lại thuộc diện chậm triển khai 24 tháng so với tiến độ được phê duyệt.
Trong nhóm các dự án chậm GPMB, mới có 27 dự án cơ bản hoàn thành GPMB với diện tích 136,49ha, trong khi các dự án chưa hoàn thành chiếm khoảng 1.915,68ha. Đáng lưu ý, trong số dự án chưa hoàn thành có 49 dự án với diện tích gần 600ha đang được xem xét, giải quyết khiếu kiện, liên quan đến cơ chế chính sách; 21 dự án khác với diện tích trên 455ha vướng mắc về quy hoạch và tranh chấp địa giới hành chính chờ chỉ đạo của trung ương. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như dự án gặp khó khăn về cơ chế chính sách, thay đổi chủ đầu tư, vướng mắc về đất dịch vụ, vướng mắc về quy hoạch... Có những dự án bị chậm do chưa GPMB được hoặc chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính. Trong khi đó, Giám đốc Sở KHĐT Nguyễn Văn Sửu thừa nhận một thực tế: "Tâm lý lập dự án để giữ đất cũng là một nguyên nhân".
Dù vì bất kỳ nguyên nhân gì, với số lượng lên tới hàng trăm dự án, hàng ngàn hécta đất, các dự án chậm đã gây ra không ít rắc rối khiếu kiện về quy hoạch "treo", dự án "treo", tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân. Nên với số lượng lớn dự án như vậy, thành phố cũng đang lãng phí không nhỏ nguồn tài nguyên đất quý báu của mình. Tuy nhiên, để có được giải pháp hợp tình, hợp lý để xử lý từng dự án, không phải là việc đơn giản. Cả giải pháp thu hồi 100% hay không thu hồi đều không phải là tối ưu.
Thắt chặt quản lý cách nào?
Hà Nội còn không ít dự án được lập để giữ đất, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ảnh: Huyền Linh
Với nhóm dự án chậm đưa đất vào sử dụng 12 tháng liền kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa, thành phố đã cho phép gia hạn đối với 32 dự án tới 6 tháng, kể từ ngày 1-2-2010. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Vũ Văn Hậu cho hay: "Kiểm tra mới đây cho biết, có 19 dự án đã tiến hành đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư đã tích cực triển khai dự án sau khi được gia hạn; 5 dự án khác vẫn chậm do những nguyên nhân khách quan như nằm trong phạm vi rà soát quy hoạch; 7 dự án khác đang là đối tượng thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự án còn lại, thành phố đã giao quận Cầu Giấy lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định". Ngoài ra, còn có 30 dự án chậm triển khai 24 tháng, được gia hạn 1 năm kể từ ngày 1-2-2010. Thành phố đã chỉ đạo kiểm tra, theo sát tiến độ hàng quý trong thời gian gia hạn. Đến nay chỉ còn 13 dự án có khả năng không hoàn thành đúng thời gian gia hạn. Nếu sau thời hạn trên, các dự án vẫn vi phạm, UBND TP sẽ chỉ đạo kiểm tra và lập hồ sơ thu hồi.
Hà Nội cũng đang thực hiện lộ trình với ý định giải quyết dứt điểm các dự án "chiếm dụng" đất công này. UBND TP đã lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức được giao đất, thuê đất để làm rõ mức độ vi phạm trong việc sử dụng đất và xây dựng các công trình... Đến nay, Đoàn kiểm tra đã chia thành 3 tổ đang tiến hành kiểm tra ở 29 quận, huyện, thị xã. Việc này dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 1-2011.
Mặc dù vậy, hạn chế lớn nhất của không riêng Hà Nội là chưa có "bộ lọc" thật tốt đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là về khả năng tài chính, mục đích đầu tư hay uy tín doanh nghiệp… Nên không ít chủ đầu tư yếu kém cả về tài chính, kinh nghiệm, lẫn uy tín vẫn lọt được qua các khâu kiểm duyệt. Vì "bộ lọc" vừa yếu kém vừa chưa thực sự công khai, nên có những trường hợp làm dự án chỉ nhằm mục đích chuyển nhượng hay đơn giản là kéo dài thời gian triển khai để cho thuê kiếm lời. Có thể nói, để thắt chặt quản lý nhằm ngăn chặn những dự án được sinh ra chỉ để giữ đất, "chiếm dụng" đất công, không còn cách nào khác là tập trung vào lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần được coi là mấu chốt của vấn đề, là nguyên nhân chính.
Có thể tạo nên một cơ chế xử phạt nặng đối với nhà đầu tư vi phạm thời hạn theo quy định thay vì việc lập hồ sơ thu hồi. Đó sẽ là một phần của hệ thống quy định ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của nhà đầu tư đối với dự án sử dụng đất ngay từ khi họ nộp hồ sơ đề nghị được giao đất. Chỉ có làm như thế, giá trị đất mà thành phố giao mới thực sự được tôn trọng, còn nhà đầu tư yếu kém hoặc có ý đồ xấu khó có cơ hội "phủi" trách nhiệm hoặc trục lợi một cách dễ dàng.
Vấn đề có thể hình dung như vậy, nhưng ai sẽ thúc đẩy việc này mới thực sự là bài toán quan trọng.
Luật và Nghị định không thống nhất Trong khi các địa phương gặp khó khăn trong việc xử lý hàng trăm dự án vi phạm về thời hạn, những quy định pháp luật làm cơ sở dường như cũng chưa có được sự thống nhất.
Theo Điều 38, Luật Đất đai 2003, có 12 trường hợp sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi, trong đó có trường hợp "Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép".
Trong khi đó, Điều 20, Nghị định 105/NĐ-CP ngày 11-11-2009 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010) lại quy định: "Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư quá thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép". |
(Theo Quốc Bình/HNMO)