Vụ mua nhà bằng USD: TSQ bác bỏ khiếu nại của khách hàng
|
Nhiều khách hàng của TSQ tố cáo họ đã mất thêm hàng trăm triệu đồng do chủ đầu tư vi phạm hợp đồng. |
Chủ đầu tư dự án Làng Việt Kiều châu Âu (Mỗ Lao - Hà Đông, Hà Nội) vừa có công văn trả lời hàng trăm khách hàng xung quanh khiếu nại việc mua bán nhà bằng USD và các bất đồng khác trong hợp đồng mua bán căn hộ CT1 tại dự án trên.
Trong công văn gửi các khách hàng mới đây, Công ty TSQ (chủ đầu tư dự án) cho rằng, doanh nghiệp này và khách hàng đã ký hợp đồng mua bán nhà là hết sức rõ ràng, minh bạch. Cụ thể, trong hợp đồng đã được ghi rõ: “...hai bên đã bàn bạc và thống nhất toàn bộ các nội dung của hợp đồng này. Hai bên cam kết thực hiện hợp đồng trên cơ sở đồng thuận, am hiểu pháp luật và ký hợp đồng trong trạng thái minh mẫn, tự chủ...”.
Do đó, theo TSQ, việc khách hàng khiếu kiện “trong bối cảnh nhiều người dân có nhu cầu mua chung cư để ở, nhưng rất ít chung cư được rao bán”, nên khách hàng vẫn ký hợp đồng với tâm lý “mua lấy được” không phải là do lỗi của công ty.
Liên quan đến việc khách hàng tố chủ đầu tư TSQ tính giá căn hộ bằng USD, công ty này lý giải, trong hợp đồng đều thống nhất tính giá 1m2 nhà/VND và tổng giá trị căn hộ cũng là ...VND, do đó không vi phạm quy định Pháp lệnh về ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, phía TSQ cũng “biện minh” thêm, việc tỷ giá được đưa vào điều kiện phát sinh hợp đồng, chỉ xảy ra nếu có sự điều chỉnh của cơ quan Nhà nước. Đây là yếu tố ngẫu nhiên và khách quan, Công ty không chủ động và kiểm soát được tỷ giá lên hay xuống.
Với viện dẫn trên, Công ty TSQ tuyên bố bác bỏ những khiếu kiện của khách hàng liên quan đến việc phải nộp thêm hàng trăm triệu đồng do việc tỷ giá biến động trong thời gian qua.
Theo các khách hàng và một số luật sư của bên nguyên đơn, việc TSQ khẳng định tính giá căn hộ bằng USD nhưng lại thu thêm tiền của khách hàng do tỷ giá biến động là hoàn toàn vô lý và trái pháp luật. Bởi lẽ, một khi bên bán đã khẳng định bán nhà bằng VND thì mọi quá trình thanh toán sau đó không liên quan gì đến việc tỷ giá biến động lên hay xuống.
Đối với nội dung khách hàng tố chủ đầu tư TSQ tự ý thu tiền phạt do thanh toán chậm với mức tự ấn định lãi suất là 24%, doanh nghiệp này cho rằng, bản thân họ phải đi vay ngân hàng với lãi suất 22 – 24%/năm để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng của dự án.
Do đó, việc áp dụng lãi suất phạt chậm 24% là thấp hơn so với thực tế, vì Công ty phải chịu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% từ số tiền phạt lãi do chậm nộp tiền. Điều đó đồng nghĩa với việc, Công ty chỉ thu được 18% từ khách hàng nộp tiền chậm.
Mặt khác, theo TSQ đây là điều kiện hợp đồng do vi phạm mà ra, không có tổ chức tín dụng hoặc cơ quan quản lý nào quy định điều này. Điều khoản thưởng phạt là do hai bên thỏa thuận, và bản thân công ty này không muốn khách hàng vi phạm.
“Lãi suất 24% mà Công ty đặt ra là tạo điều kiện để cho quý khách hàng do gặp khó khăn về tài chính. Do đó, những vướng mắc mà khách hàng phản ánh, chúng tôi không đưa ra để bàn bạc, chỉ có khách hàng nào vi phạm thì công ty sẽ trực tiếp giải quyết”, công văn của TSQ nêu rõ.
Nội dung thứ ba trong đơn khiếu kiện của khách hàng là việc Công ty TSQ đã huy động vốn vượt quá 70% nhưng chưa bàn giao nhà. Phản hồi thông tin này, phía TSQ cho rằng, doanh nghiệp này đã làm theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, và việc bàn giao tạm thời căn hộ chưa có nội thất chỉ được áp dụng ở công ty TSQ, các quy định của Bộ Xây dựng không có điều này.
Do vậy, nội dung khách hàng tố cáo là “chiếm dụng vốn”, theo TSQ là không có cơ sở bởi việc việc thu tiền của khách hàng không nằm ngoài mục đích đảm bảo tiến độ và chất lượng của dự án.
Thậm chí, theo TSQ, những phản ánh của khách hàng nêu trên là vi phạm các quy định của pháp luật về việc vu khống, làm mất uy tín của Công ty TSQ.
Trong phần cuối của văn bản trả lời khách hàng, phía TSQ một lần nữa khẳng định, doanh nghiệp này “chưa vi phạm bất cứ điều khoản nào của hợp đồng đã ký kết” và “các điều khoản của hợp đồng không vi phạm bất cứ quy định nào của pháp luật Việt Nam”.
Với quan điểm như trên, lãnh đạo TSQ quả quyết “sẽ không có thêm bất cứ một thỏa thuận nào liên quan đến vấn đề tỷ giá, điều khoản thanh toán hay điều khoản tài chính liên quan khác”.
Thậm chí, trong văn bản nói trên, đại diện phía chủ đầu tư còn tỏ ý “thách đố” hàng trăm khách hàng bằng một dòng kết luận “bằng quyền hạn của mình, khách hàng có thể đưa sự việc ra các cơ quan chức năng và trên hết là ra tòa án như trong hợp đồng đã ghi để giải quyết”.
(Theo Vneconomy)